Nơi gửi trọn niềm tin
Hiển thị các bài đăng có nhãn bat-dong-san. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn bat-dong-san. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Mất mạng vì "quỵt" 300 triệu tiền môi giới khi mua nhà

Tức giận vì người mua nhà chỉ trả 100 triệu đồng tiền 'cò' thay vì 400 triệu như đã thỏa thuận lúc đầu, Tấn đã đâm anh này tử vong đồng thời gây thương tích cho 2 người khác.

Bị cáo Nguyễn Văn Tấn đã ra tòa đầu thú sau nhiều năm bỏ trốn. Ảnh: C. T

Ngày 31/7 vừa qua, TAND Tp.HCM đã xét xử lưu động, tuyên phạt ông Nguyễn Văn Tấn (52 tuổi) 20 năm tù về tội Giết người.

Theo cáo trạng, bố mẹ ông Tấn định cư ở Mỹ và để lại một căn nhà trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, Tp.HCM) cho ông Tấn và người chị gái. Tuy nhiên, căn nhà này do người chị đứng tên sở hữu.

Vào năm 2007, anh Hào (nạn nhân) bảo ông Tấn khuyên chị gái bán lại ngôi nhà cho mình, nếu thương vụ thành công sẽ cho ông Tấn số tiền 400 triệu đồng. Tuy nhiên, khi giao dịch đã xong xuôi thì anh Hào chỉ đưa cho ông Tấn số tiền 100 triệu đồng.

Sau nhiều lần liên lạc đòi tiền nhưng không được, vào tối ngày 4/7/2010, ông Tấn đã tìm gặp anh Hào để "làm cho ra nhẽ". Sau khi cự cãi, ông Tấn đã rút dao đâm nạn nhân tử vong. Mẹ và cháu của nạn nhân vào can ngăn cũng bị ông này tấn công gây thương tích.

Sau đó ông Tấn trốn lệnh truy nã suốt 5 năm và mới đây đã tự ra đầu thú.
(Theo Vnexpress)

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Vì sao không nên mua Bất Động Sản của những môi giới hay giảm giá ???

Vì sao không nên mua Bất Động Sản của những môi giới hay giảm giá ???

Trong tình hình thị trường Bất động sản đang hồi phục như hiện nay, lực lượng môi giới tăng nhanh, đông như quân Nguyên, tình trạng cạnh tranh giữa các môi giới với nhau ngày càng khốc liệt, dẫn đến cạnh tranh ko lành mạnh. Nhiều môi giới chỉ vì muốn có giao dịch lấy chỉ tiêu doanh số với công ty, hay vì tính đố kỵ, ganh ghét háo thắng của mình mà sẵn sàng chiết khấu thêm từ phần thù lao (hoa hồng) của mình cho khách nhằm hất đổ chén cơm của đồng nghiệp.

Vậy, nếu bạn là nhà đầu tư bất động sản, hay là khách hàng mua bất động sản cho nhu cầu ở thực, liệu bạn có muốn làm việc với những môi giới như vậy?

Bài viết dưới đây sẽ nêu 1 vài lý do giải thích Vì sao không nên mua Bất Động Sản của những môi giới hay giảm giá.

Vì sao không nên mua Bất Động Sản của những môi giới hay giảm giá ???
Tình trạng cạnh tranh trong nghề môi giới Bất động sản hiện nay rất khốc liệt

Mua bất động sản mỗi người lại có mục đích mua khác nhau: người thì mua để ở, người thì mua để giữ tiền, người thì mua để đầu tư… Nhưng đã mua bất động sản thì giá trị thấp nhất là vài trăm triệu, cho đến nhiều tỷ đồng. Một món hàng giá trị mà nhiều người mua lại hay để ý chuyện "bớt, giảm" tiền? Khi người mua bất động sản muốn được bớt tiền họ bị thua thiệt nhiều hơn được? Thậm trí chỉ vì bớt được 10-20 triệu mà sau này "lỗ" đến vài trăm triệu? Chúng ta hãy tìm hiểu xem vì sao lại không nên mua nhà của những môi giới hay giảm giá?

Trong nghề môi giới bất động sản, người môi giới tự giảm giá cho khách được gọi là "cắt máu", tức là tự trích "máu" của mình, trích phần thù lao của mình để bớt cho khách. Vậy người tự làm với chính bản thân mình như thế liệu có đáng tin cậy? Mình còn không yêu bản thân mình thì có đáng được tôn trọng? Đặc biệt với loại sản phẩm bất động sản là căn hộ chung cư - sản phẩm có giá bán chung và được công bố rộng rãi, chính trong nghề môi giới những người môi giới "cắt máu" thường không được tôn trọng.

Vì sao không nên mua Bất Động Sản của những môi giới hay giảm giá ???

Những lý do vì sao ko nên mua bất động sản (nhà, căn hộ chung cư) của những môi giới hay giảm giá (cắt máu)?

  • Người môi giới Bất động sản thì chữ tín được đặt lên hàng đầu. Một người mà lời nói lúc trước và sau không giống nhau thì được nhiên không tin được. Người mà làm nghề mà không yêu nghề, tự phá bỏ những quy luật trong nghề, không tôn trọng công sức của người khác thì hỏi có nên mua của người đó?
  • Ở vị trí người môi giới họ đã phải tự "cắt máu" mình cho khách hàng, ở vị trí người mua để được bớt tiền họ đã phải "uống máu" của người môi giới bớt, đồng nghĩa với miếng cơm có thịt, hộp sữa cho con của người môi giới.
  • Người mua mà được bớt thường nhận nhiều thua thiệt: Vì để bán được nhà, người môi giới còn sẵn sàng "cắt máu" chính mình thì còn điều gì họ không dám? Họ sẵn sàng tư vấn những bất động sản không tốt cho khách, hay không phù hợp cho khách, vì để bù vào phần máu đã cắt. Hay vì đã "cắt máu" thì việc tư vấn hoàn thiện thủ tục sau khi khách hàng mua sẽ không được tốt. Việc hỗ trợ sẽ không được làm đầy đủ. Lúc đó chẳng phải là người mua thua thiệt đủ đường?
  • Đặc biệt nếu người mua là nhà đầu tư, người giữ tiền, thì càng không nên mua của những người "cắt máu" vì như thế sẽ dẫn tới lỗ nhiều tiền. Sản phẩm mà nhà đầu tư mua thường xấu bởi tư vấn của những môi giới tư "cắt máu" mình.
  • Không mua của người môi giới bán giảm giá vì: TÂM - TÍN - TRỌNG. Đặc biệt khi mua bất động sản được cho là ảnh hưởng rất lớn đến phong thủy và vận mệnh của người mua bất động sản.

Để bán được một căn hộ, hay một bất động sản bất kỳ nào thì người môi giới thường phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức, thường phải mất vài tháng mới bán được một sản phẩm bất động sản. Mỗi bất động sản người môi giới được hoa hồng 10-20 triệu tùy vào dự án, hiện giờ môi giới bán bất động sản bán chênh ăn chênh là hầu như không có vì thị trường bất động sản đã minh bạch hơn rất nhiều. Với mỗi khách hàng nghĩ rằng môi giới giới thiệu cho mình mua đơn giản buôn nước bọt thế mà được 10-20 triệu là cao thì không phải như vậy.

Với sự đồng cảm với những người môi giới chân chính và chuyên nghiệp, những người thật sự yêu, tôn trọng, sống với nghề môi giới, khi đi chia sẻ kỹ năng bán hàng online cho nhiều môi giới, rất nhiều môi giới đã bật khóc khi nói chuyện với tôi. Họ chia sẻ rằng: "em bỏ rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để tư vấn cho khách, đến khi gần ký hợp đồng thì bị môi giới khác tự "cắt máu" và em mất khách".

Các bạn môi giới có thể nhận xét góp ý cho tôi về bài viết này, hoặc chia sẻ câu chuyện bạn bị cướp khách để khách hàng hiểu môi giới hơn, hay cũng có thể gửi bài viết này cho các khách hàng đọc.

-st-

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Làm sales Bất động sản - Dễ hay khó ???

Làm sales Bất động sản - Dễ hay khó?


Đây là thắc mắc của nhiều bạn mới, hoặc đang chuẩn bị vào nghề môi giới Bất động sản


Chưa bao giờ xin việc ngành Bất động sản lại dễ như hiện nay. Bạn ko cần kinh nghiệm hay bằng cấp về chuyên môn cả, chỉ cần bạn đồng ý làm là có việc ngay. Những khoản hoa hồng cả trăm triệu, điện thoại xịn, đồng hồ xịn, đi xe xịn, đầu vuốt keo bóng loáng, áo vest phẳng lỳ, nước hoa thơm phức ... đó là những tương lai đầy sáng lạn cho những người mới bước vào nghề khi nhìn những anh/chị đi trước. Tuy nhiên, nghề sales Bất động sản có thực sự là màu hồng?

Bài viết dưới đây sẽ chia sẽ cho các bạn mới vào nghề, hoặc chuẩn bị vào nghề môi giới Bất động sản có cái nhìn chân thực nhất về nghề "nhanh giàu" này

Làm sales Bất động sản - Dễ hay khó ???

Lướt một vòng trang tìm việc, tôi click ngay vào tuyển dụng Nhân viên kinh doanh Bất động sản như bị mê hoặc bởi con số hàng chục triệu mà sau này tôi mới hiểu đó là chiêu trò của nghề này.

Dù không kinh nghiệm, bằng cấp cũng chẳng liên quan và cũng không biết bắt đầu từ đâu, nhưng cuộc phỏng vấn kết thúc một cách nhẹ nhàng và có chút hoài nghi về định mệnh này. Tôi vội quên đi vì niềm vui có việc làm đúng mục đích kiếm tiền nhiều đã đạt được.

Có vẻ như tuần đầu tiên may mắn mọi thứ vẫn rất màu hồng, trainning, giao lưu kết bạn. Tôi cảm thấy đơn giản thật. Tôi sẽ kiếm được tiền. Sau đó tôi bắt đầu nhập cuộc. May mắn làm việc trong môi trường có vẻ thân thiện, sếp quan tâm, đồng nghiệp hỗ trợ nhiệt tình. Chỉ tiêu của tôi 1 tháng phải bán được 2 nền và tất nhiên là 2% hoa hồng/nền là động lực hòa nhập thật nhanh. Tôi bắt đầu tìm một đồng nghiệp có kinh nghiệm để học hỏi kinh nghiệm tư vấn và hướng dẫn tôi cách tìm khách hàng.
Nhiều người nghĩ rằng môi trường kinh doanh không có bạn. Họ chỉ thể hiện sự thân thiện bên ngoài, nhưng động cơ của họ bạn không thể biết được. Đôi khi họ có thể bán bạn nếu được giá. Thật ra nên hiểu như thế này thì đúng hơn, "kinh nghiệm là một thứ mà bạn phải trả bằng tiền nếu không muốn phải thử nghiệm".



Công việc đầu tiên của tôi là đi "GOSUN". Đây là một thuật ngữ chỉ việc phát tờ rơi. Tôi nhớ những hôm phải phơi mình dưới nắng nóng, cầm từng tờ rơi, ngay ngã tư, chưa bao giờ tôi lại thấy ngại ngùng như thế. Ánh mắt họ nhìn tôi, có người coi thường, có người bỡn cợt: "Ôi! xinh thế mà phải đi phát tờ rơi à"; "đi đi không lấy,…". Bị đuổi như tà khi cầm xấp tờ rơi 500 tờ đến một công ty gần dự án. Có lần tôi gõ cửa một căn nhà xin tiếp kiến, nhưng khi tôi giới thiệu mình là "Nhân viên kinh doanh Bất động sản", người ta đuổi đi và đóng sầm cửa trước mặt tôi. Tôi giận run lên. Họ thật bất lịch sự.

Mặc dù vậy, niềm hăng say kiếm tiền và máu lửa của tuổi trẻ khiến tôi nhanh chóng quên đi và tập trung làm việc. Nhưng tôi càng mong đợi ai đó sẽ gọi điện tới để hỏi về dự án bao nhiêu thì sự thất vọng lại khiến tôi chán nản bấy nhiêu. 500 - 1000 tờ rơi nếu có 5 người quan tâm thì đã là kết quả tuyệt vời trong những lần phát. Thế nhưng sau ngày hôm ấy là cơn sốt cảm nắng, cảm lạnh hành hạ. Vì sức khỏe nên tôi đành chuyển qua kênh "Salephone", có vẻ điều này đơn giản hơn vì ngồi trong máy lạnh tư vấn gián tiếp.

Bắt đầu với cái data 1000 số do công ty đưa xuống. Chỉ tiêu 50-100 cuộc gọi/ngày. Bình thường gọi điện thoại tám dóc thì quả là đơn giản, nhưng khi nhập cuộc tôi rất sợ.

Nỗi sợ này là điều mà nhân viên mới nào cũng gặp phải. Đó là sợ từ chối, sợ bị chửi, ngại bị đồng nghiệp cười ... Nhưng đó là công việc Tôi bắt đầu vượt qua nó nhiệm vụ chào sản phẩm và mời khách đi dự án:

- "Alo, dạ ,em chào anh/chị. Em là ... đến từ công ty Bất động sản..... em hiện đang có sản phẩm đất nền gần sân bay Long thành....."

- "Xin lỗi a không quan tâm đừng làm phiền.....

- "Đừng có gọi nữa đồ lừa đảo.....

- "Không có tiền.....

- "Rảnh quá,….”

Có khi là lời ve vãn của ông già tuổi cha chú, lời xúc phạm của bà vợ ghen tuông, có lúc họ giả vờ quan tâm rồi đến nhà tư vấn họ hành động khiếm nhã khiến tôi bỏ của chạy lấy người.

Làm sales Bất động sản - Dễ hay khó ???

Có những khách phải mời cả chục lần, theo họ 2-3 tháng, họ mới chịu đi. Đây là những khách hàng tiềm năng mà tôi đã học được bài học đầu tiên, chăm sóc khách với niềm tin, nhất định một ngày nào đó họ sẽ mua cho bạn. Yếu tố kiên trì cũng là phẩm chất của sales mà tôi đã học được khi gia nhập ngành bất động sản.

Làm việc cả tuần chỉ mong đến cuối tuần, áp lực từ việc đối mặt với cả chục cuộc gọi hẹn đi dự án từ trước tự nhiên hôm nay bị bệnh, không bắt máy, nhà có việc, không đi được khiến mọi nỗ lực trong tuần dường như tan biến, sếp trên la xuống. Nhiều lúc tôi nghĩ nghề này phải gọi là nghề đau tim nhất, luôn luôn sống trong lo sợ, sợ khách hàng không đi dự án đi rồi lại sợ không mua, mua rồi lại sợ không thích, rồi thì xin trả cọc, rồi thì sếp la, nước mắt đã rơi và tôi chắc rằng nó không nhạt hơn mồ hôi lúc phát tờ rơi.

Nhưng sau này tôi mới rút ra lý do vì sao mình bị từ chối nhiều, chính vì tôi bắt đầu theo sách vở, và tôi đã phạm một lỗi tối quan trọng: "Nói nhiều hơn nghe".

Gần đến 2 tháng thử việc, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Tôi lo lắng về số phận của mình, không biết có bị đuổi việc không? Tôi chuyển kênh khai thác, liên tục đăng tin, bơm tin, spam mail.... Ai bảo gì tôi làm nấy. Có khách hàng gọi đến như bắt được cục vàng. Tôi hăm hở gửi thông tin, chạy đến nhà tư vấn,…

Nhưng vẫn chẳng có kết quả gì. Tôi bắt đầu stress, hoang mang, suy nghĩ tiêu cực nhen nhóm. Tôi đã làm sai điều gì? Tôi cần làm gì? Về sản phẩm có tốt không? Khả năng của mình có vấn đề? Tôi xin nghỉ việc. Tuy nhiên đơn xin không được chấp thuận. Sau này tôi hiểu được rằng đó chỉ là bước khởi đầu của lính mới.

Các sếp đã nói chuyện riêng với tôi. Họ cho tôi những lời khuyên chân thành, những con số nhảy múa trong đầu, và lửa trong tôi lại cháy .Thoạt nghe thì cảm giác như tôi đang sống trong ảo vọng, nhưng suy nghĩ lại quả thật tất cả chúng ta nếu không có niềm tin và mục đích sống thì làm việc gì cũng thất bại. Tôi cảm thấy như được truyền thêm sức mạnh.

Và may mắn thay khách hàng đầu tiên đã đến, một giao dịch quá dễ dàng, Tôi cảm thấy biết ơn ông trời vì lúc này chỉ có thể nghĩ là may mắn, sau thành công, tôi ngủ đông trên chiến thắng. Cầm một số tiền lớn trong tay, với một người trẻ tuổi, tôi có rất nhiều dự định nhưng chắc chắn không phải là để tiết kiệm trong ngân hàng.

Người ta nói không sai: dân sales chẳng giàu bền được, làm bao nhiêu họ xài hết bấy nhiêu, họ xài sang hơn cả giám đốc. Không phải sống nhờ đồng lương, sales chỉ sống bằng hoa hồng, đó là sự khác biệt với dân văn phòng. Một khi bạn đã gia nhập với kinh doanh, bạn sẽ chẳng muốn trở lại làm nhân viên văn phòng đâu.

Sau 1 tháng sức ì đã bắt đầu làm ảnh hưởng đến tinh thần tôi. Điều này có nghĩa là tôi đang trượt dốc. 3 tháng sau dù đã nỗ lực tôi vẫn không kiếm được 1 giao dich nào nữa, gánh nặng tiền bạc, gia đình lại đè lên. Thật sai lầm khi tôi tin mình là người may mắn và sẽ có 1 cái giao dịch giống như cái đầu. Tôi kêu ca về sản phẩm, mọi thứ đều là khó khăn. Định mệnh không như ta mong muốn, lần này tôi đã ra đi theo suy nghĩ mình đã hết thời, một lý do lãng xẹt.

Làm sales Bất động sản - Dễ hay khó ???

Cái nghề nào cũng có cái nghiệp của nó, kết thúc cũng là bắt đầu. Tôi tiếp tục tìm kiếm cơ hội trở thành một nhân viên kinh doanh bất động sản ở một công ty tầm cỡ hơn với phân khúc căn hộ trung cấp lần này chút ít kinh nghiệm, và kỹ năng nghề.

Tôi cũng nhanh chóng đậu phỏng vấn. Nhưng đây là một trải nghiệm khắc nghiệt hơn nhiều so với công ty cũ. Tôi phải chạy nhanh hơn lúc trước với một guồng máy áp lực và môi trường cạnh tranh khốc liệt. Vốn dĩ tôi đến với nghề này là vì tự tin sẽ làm giàu nhanh chóng cho nên khi thất bại điều đó làm tôi không chấp nhận được giống như một cú sốc lớn. Sau đó tỉnh ra rằng lấy tiền của người khác không dễ, muốn làm điều đó hãy yêu nghề trước đã.

Được huấn luyện những khóa học kỹ năng, và truyền lửa tạo động lực, tất nhiên là cả chiêu Marketing riêng để tìm khách hàng, công ty địa ốc cấp cho chúng tôi một tấm bằng chứng nhận chúng tôi đã được huấn luyện vế tất cả kỹ năng của một chuyên viên địa ốc, và thúc giục tất cả làm đơn xin thi Bằng hành nghề địa ốc .

Tôi bắt đầu học hỏi được nhiều hơn. Dần dần, gần như tất cả những kỹ năng của kinh doanh đều đều được hấp thụ. Tôi thay đổi dần trong cách bán hàng, thậm chí là cả giữa quan hệ với mọi người. Nghề này con gái nhiều hơn con trai, chính vì yếu tố ngoại hình, và sự cần cù chăm chỉ là những yếu tố cần trong bất động sản.

Đầu vuốt keo gọn gàng, mặc veston ủi phẳng lỳ, nước hoa thơm, phức giày bóng loáng, đi xe ga, đồng hồ xịn, Iphone, laptop là những thứ mà sales cần trang bị. Nó bắt nguồn từ yếu tố công việc chứ không phải họ thích khoe mẽ. Vì đó là lời giới thiệu bản thân bằng hình ảnh một cách chân thực nhất, hãy thử nghĩ nếu bạn mua một món tiền tỷ mà người giúp bạn lại là một người ăn mặc lôi thôi, mùi cơ thể khó chịu, dù họ có kiến thức đến đâu thì bạn phản ứng như thế nào?

Cảm xúc của người bán được hàng

Trở lại với ký ức của lần đầu tiên tôi đi tìm khách hàng: Tôi học theo cách tiếp cận của một số anh chị có kinh nghiệm, nhưng tôi chẳng thành công cái nào cả. Thế mà trong cùng văn phòng có người một tuần có tới 2 hoặc 3 giao dịch. Cuối năm có người mang lợi nhuận về đến vài trăm triệu và đối với tôi họ là những tấm gương để học hỏi, tôi bắt đầu sáng tạo hơn trong cách tiếp cận khách hàng, năng động và quen dần với những kênh Salephone, phát tờ rơi, ứng biến trong mọi tình huống,….

Khi đã dành hết nhiệt huyết với nghề, thành công sẽ đến. Giống như câu nói: "nếu bạn theo đuổi đam mê thành công sẽ theo đuổi bạn".

Bạn bán được 1 căn hộ cho khách hàng, một tài sản mà họ phải tích góp cả đời để mua, bạn sẽ nhìn thấy niềm vui hiện lên khuôn mặt của họ, và lúc ấy bạn cũng sẽ vui lây, không những vì bạn bán được mà còn vì bạn đã thắp lên ước mơ an cư lạc nghiệp cho họ. Còn đối với những khách hàng đầu tư, họ sẽ vô cùng cảm ơn bạn nếu nhờ bạn họ mang về một khoảng lợi nhuận. Đây chính là công việc của sales. Dù đôi khi cũng có những hình ảnh xấu liên quan đến sales về chất lượng, sai sự thật, hay lừa đảo, tất nhiên đều không phải là sales chân chính và không tồn tại lâu với nghề. Làm nghề này nếu như bạn có nhiều mối quan hệ và giữ uy tín với khách hàng, thì bạn sẽ nhanh thành công hơn, bởi vì tài sản của sales chính là khách hàng.

Thay đổi tư duy thay đổi cuộc sống

Bước vào nghề như một cái duyên, và chinh phục nó qua những khó khăn, tôi đã thấu hiểu những sai lầm, và bước đi mạnh mẽ hơn. Nếu có ai hỏi nghề lương cao nhất, có lẽ theo quan điểm mới của tôi, cao hay thấp phụ thuộc vào bạn. Hãy chọn công việc theo niềm đam mê, và hãy theo nó đến cùng vì hạnh phúc là sống với đam mê, thành công là biến đam mê thành thu nhập bền vững.


Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Không cần chứng minh thu nhập khi vay gói 30.000 tỷ để mua nhà

Diện tích nhà ở liên tục trong những năm gần đây đều tăng khoảng 1 triệu m2 mỗi năm.

Năm 2015 cả nước phấn đấu đưa diện tích bình quân nhà ở đạt 21,5m2 sàn/người, tăng 0,9m2 sàn/người so với năm 2014.


Để đạt mục tiêu này, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với ưu đãi dành cho người mua nhà đã hỗ trợ tích cực cho người dân tạo lập và cải thiện chỗ ở. Tuy nhiên, việc giải ngân vẫn chưa như kỳ vọng.


Không cần chứng minh thu nhập khi vay gói 30.000 tỷ để mua nhà
Khu nhà ở tại Pháp Vân-Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) xung quanh vấn đề này.

* Mặc dù gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi được hướng trực tiếp tới người mua nhà ở phân khúc thu nhập thấp và thương mại giá rẻ nhưng gần đây dư luận cho rằng việc hướng dẫn về điều kiện của Bộ Xây dựng chưa rõ ràng. Xin ông giải thích rõ hơn về vấn đề này?

Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà: Gói tín dụng này không phải là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng năm, mà là nguồn tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại thực hiện theo nguyên tắc cho vay thương mại và phải thu hồi vốn, kể cả lãi, sau thời gian quy định mà hiện nay là 15 năm, theo đó gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ cho vay đối với 4 nhóm đối tượng gồm cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở được vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội;

Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động thu nhập thấp khu vực đô thị, có khó khăn về nhà ở vay để mua, thuê nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp (có quy mô dưới 70 m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc tổng giá trị hợp đồng kể cả nhà và đất dưới 1,05 tỷ đồng);

Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động khu vực đô thị, đã có đất ở và chưa được Nhà nước hỗ trợ vay để xây mới hoặc cải tạo nhà ở phù hợp với quy hoạch; Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân vay để phát triển các dự án nhà ở xã hội cho nhóm đối tượng thứ nhất mua, thuê, thuê mua.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ để tránh nhầm lẫn giữa hai nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội và mua nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá bán thấp là khác nhau. Đối với nhóm đối tượng người dân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì điều kiện là đã có hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định.

Điều kiện để người dân được ký hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được Chính phủ quy định rõ tại Điều 14 Nghị định số 188/2013/NĐ-CP chứ không phải quy định tại Nghị quyết 02 và các văn bản hướng dẫn Nghị quyết này. Do đó, nếu là người lao động thu nhập thấp thì phải có thu nhập thường xuyên hàng tháng dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Các yêu cầu về thủ tục xác nhận hộ khẩu, tình trạng nhà ở, thu nhập... được thực hiện từ trước khi người dân ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Quy định này để tránh tình trạng người không phải thu nhập thấp nhưng vẫn đăng ký mua nhà ở xã hội, vốn được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước và thường có giá rẻ hơn nhà ở thương mại.

Còn nhóm đối tượng người dân vay vốn mua nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp (có quy mô dưới 70m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc tổng giá trị hợp đồng kể cả nhà và đất dưới 1,05 tỷ đồng) thì điều kiện là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội (diện tích nhà ở bình quân nhỏ hơn 8m2/người); có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở, đối với trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên; đã có hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp này chỉ cần cơ quan, đơn vị nơi công tác, hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận về tình trạng nhà ở, không phải xác nhận về tình trạng thu nhập, không phải chứng minh mức thu nhập có thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không.

Như vậy, điều kiện vay vốn để mua nhà ở thương mại giá bán thấp dễ dàng hơn điều kiện vay để mua nhà ở xã hội do không phải chứng minh thu nhập, không khống chế mức thu nhập, người dân chỉ phải xác nhận tình trạng nhà ở. Sở dĩ phải phân định rõ ràng như vậy vì các dự án nhà ở thương mại không được ưu đãi như nhà ở xã hội.

Đây là giải pháp vừa giúp những người lao động có khó khăn về nhà ở cải thiện chỗ ở, vừa kích cầu thị trường bất động sản, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển phân khúc sản phẩm nhà ở thương mại có giá bán thấp, thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm trung và cao cấp như trước đây.

Nói cách khác, người vay vốn để mua nhà ở xã hội được hỗ trợ đến 2 lần (thứ nhất là vay vốn mua nhà với lãi suất thấp, thứ hai là giá bán nhà ở xã hội thấp hơn nhà ở thương mại do đã được Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đât, thuế VAT) nên điều kiện khắt khe hơn người vay vốn để mua nhà ở thương mại chỉ được hỗ trợ một lần (vay vốn mua nhà với lãi suất thấp).

* Vậy theo ông đâu là nguyên nhân khiến k ết quả giải ngân gói 30.000 tỷ đồng vẫn chậm?

Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà: Đến thời điểm 31/5/2015, gói hỗ trợ đã đạt được tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng là 14.161 tỷ đồng (gần 50% tổng gói hỗ trợ).

Trong đó, số tiền cam kết với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đạt 8.817 tỷ đồng (với 18.062 trường hợp đã được cam kết cho vay); số tiền cam kết với chủ đầu tư dự án là 5.344 tỷ đồng (37 dự án đã được cam kết cho vay). Tổng số tiền đã giải ngân là 7.621 tỷ đồng (đạt 25,4%). Số giải ngân thấp hơn số cam kết bởi phải phụ thuộc tiến độ thi công và hoàn thành các dự án nhà ở mà ng ười dân đã vay để mua, thuê mua. Thực tế đã có 17.624 hộ gia đình, cá nhân được giải ngân vốn vay với số tiền 5.520 tỷ đồng; 33 dự án đã được giải ngân với số tiền 2.101 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tốc độ cam kết cho vay đã tăng rất mạnh trong những tháng cuối năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014.

Theo báo cáo của các Ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng hỗ trợ nhà ở thì tại thời điểm 31/5/2015, số vốn vay đã cam kết cho khách hàng tăng 200,4% (14.161 tỷ đồng so với 7.232 tỷ đồng), số hộ gia đình, cá nhân được cho vay vốn tăng 249,7% (18.062 cá nhân so với 7.232 cá nhân) so với thời điểm 31/8/2014. Nếu so với thời điểm 31/12/2014 thì mức tăng tương đương lần lượt là 149,5% và 155%.

Tuy nhiên, việc triển khai cho vay gói 30.000 tỷ trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Một trong những nguyên nhân này là do quy định về điều kiện để được vay vốn hỗ trợ thì người có nhu cầu vay vốn phải có hợp đồng mua hoặc thuê mua đã ký với chủ đầu tư, nghĩa là trên thị trường phải có đủ sản phẩm phù hợp với điều kiện quy định.

Tuy nhiên, hiện nay, tại các địa phương, đặc biệt là địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì số lượng dự án nhà ở xã hội , nhà ở thương mại có quy mô diện tích căn hộ nhỏ, giá bán dưới 15 triệu đồng m2 hoặc dưới 1,05 tỷ đồng/căn còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, số lượng khách hàng là hộ gia đình, cá nhân có hợp đồng đã ký với chủ đầu tư dự án để đáp ứng điều kiện được vay vốn từ gói hỗ trợ còn hạn chế.

Đối với các đối tượng vay vốn là doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn từ gói hỗ trợ, nhưng còn vướng nợ xấu thì ngân hàng thương mại có thể từ chối cho vay để bảo đảm an toàn đối với hoạt động tín dụng trong ngân hàng theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng. Do đó, các dự án này cũng chưa được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Mặt khác, các đối tượng có nhu cầu vay vốn, ngoài việc bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về đối tượng và điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng còn phải đảm các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó yêu cầu khách hàng là hộ gia đình, cá nhân phải có đủ vốn tối thiểu không vượt quá 20% tổng số tiền vay; doanh ngiệp là chủ đầu tư dự án phải có đủ vốn tối thiểu không vượt quá 30% tổng số tiền vay.

Ngoài ra, khách hàng vay vốn còn phải đáp ứng các điều kiện cho vay theo quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng (phải chứng minh đủ khả năng thu nhập để trả nợ đối với khoản vay). Tựu trung lại, để được vay vốn hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng đòi hỏi đối tượng vay vốn phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ của Nhà nước và tổ chức tín dụng. Việc đưa ra các điều kiện đối với người có nhu cầu vay vốn là cần thiết, nhằm sử dụng gói hỗ trợ đúng mục đích và đối tượng, đồng thời bảo đảm điều kiện cho tổ chức tín dụng thu hồi được vốn cho vay.

Thực tế cho thấy việc quy định yêu cầu khách hàng phải chứng minh đủ khả năng thu nhập để tích lũy trả nợ là một trong những khó khăn đối với các đối tượng có thu nhập thấp có nhu cầu vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Để giải quyết một phần vướng mắc này, tại Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ từ 10 năm lên 15 năm, từ đó mức phải trả nợ gốc và lãi hàng tháng của người vay đã giảm nhiều và nhiều đối tượng đã hội đủ điều kiện về khả năng trả nợ để được vay vốn.

Trong quá trình thực hiện giải ngân cho vay vốn, một số đối tượng người dân vay mua nhà ở thương mại còn gặp vướng mắc về điều kiện thu nhập thấp dưới mức chịu thuế thu nhập cá nhân, do cách hiểu và vận dụng chưa đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước.

Việc người dân vay mua nhà ở thương mại phản ánh bị vướng mắc về điều kiện thu nhập thấp dưới mức chịu thuế thu nhập cá nhân như các trường hợp vay mua nhà ở xã hội là do cách hiểu và vận dụng chưa đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc này.

* Xin ông cho biết giải pháp của Bộ Xây dựng để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng trong thời gian tới?

​Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà: Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội là mục tiêu quan trọng đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Một trong những yếu tố quan trọng là hình thành nguồn vốn trung và dài hạn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội và tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định đồng thời cần đẩy mạnh huy động các nguồn vốn theo quy định của Luật Nhà ở để hỗ trợ cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội như: vốn đầu tư của Nhà nước từ ngân sách, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước…

Bên cạnh đó cần có sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành có liên quan trong việc đề xuất sửa đổi các cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng, thuế liên quan đến nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân có đất ở phù hợp với quy hoạch vay vốn hỗ trợ để cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà ở của mình hoặc tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo quy định của pháp luật.

Để đẩy nhanh việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và Ngân hàng Nhà nước để xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và thủ tục chuẩn bị đầu tư, tạo quỹ đất để tăng nhanh nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Thu Hằng (TTXVN)

Vì sao người nước ngoài chưa muốn mua nhà tại Việt Nam?

(ĐTCK) Nếu như Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 đã có nhiều điều kiện nới lỏng để người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, thì thực tế, thị trường địa ốc cho người nước ngoài dường như vẫn khá yên ắng.

Với người nước ngoài, thủ tục sở hữu nhà đất tại Việt Nam vẫn quá phức tạp
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về khả năng bán hàng cho người nước ngoài, đại đa số chủ đầu tư dự án khẳng định, chưa bao giờ nhắm tới đối tượng khách hàng chính yếu là người nước ngoài. Theo họ, dù truyền thông nói có đến cả triệu người nước ngoài muốn sở hữu nhà tại Việt Nam, nhưng trên thực tế, số người nước ngoài đến tìm hiểu để mua nhà cũng giống như “hạt muối bỏ biển”.

Chị Ngọc Thúy, Việt kiều Mỹ chuẩn bị về sinh sống và làm việc tại Việt Nam, cho biết: “Tôi muốn mua một căn nhà để mở văn phòng đại diện cho công ty có trụ sở chính bên Mỹ, nhưng không biết thủ tục thế nào. Tìm hiểu một số dự án thì được tư vấn là phải tự làm thủ tục để đứng tên trong sổ đỏ, trong khi đó, người mua là người Việt Nam thì công ty đứng ra làm bìa đỏ cho họ”.

Trước băn khoăn của chị Thúy, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM bày cách: “Chị phải có bản gốc giấy khai sinh chứng minh mình là người Việt Nam. Nếu không, chị làm thêm một hộ chiếu Việt Nam nữa thì thủ tục mua nhà cũng giống như người Việt Nam mà không có phân biệt gì”. Dù vậy, chị Thúy cho biết, bạn chị là Việt kiều đã có hộ chiếu Việt Nam nhưng việc làm thủ tục cũng không hề đơn giản. Chính vì thế, chị Thúy cho biết, sẵn sàng trả thêm một khoản phí nhỏ để chủ đầu tư dự án bất động sản làm hộ các loại giấy tờ, chứ không muốn chạy tới chạy lui.

Ông Harry (người Úc) lại băn khoăn về quy định chỉ được sở hữu không quá 30% căn hộ trong một chung cư hoặc không quá 250 căn nhà trên khu vực có số dân tương đương đơn vị hành chính cấp phường. Theo ông Harry, cơ quan nào sẽ là đơn vị cung cấp thông tin dự án còn đủ số lượng 30%, hay một đơn vị hành chính cấp phường có số dân là bao nhiêu? Quy định dân số cấp phường được thống nhất trên cả nước hay có phân biệt giữa các đô thị?

Trong khi đó, bà Carrollin (người Mỹ) lại bày tỏ e ngại về thời hạn sở hữu khi quy định người nước ngoài chỉ được sở hữu 50 năm, sau đó xin gia hạn thêm theo quy định.

“Như vậy, trước khi hết hạn sở hữu nhà sẽ phải bán/tặng cho người được sở hữu nhà tại Việt Nam. Nếu không sẽ mất nhà. Điều này khác với người Việt Nam, khi mua nhà có đất sẽ được sở hữu vĩnh viễn”, bà Carrollin nói.

Trước nhiều băn khoăn của người nước ngoài về việc mua nhà tại Việt Nam, luật sư Lê Quang Vũ, Công ty Luật TNHH Một thành viên Trẻ khuyến cáo: “Người mua phải xác định mình thuộc đối tượng nào để chuẩn bị hồ sơ phù hợp. Căn nhà định mua phải thuộc dự án nhà thương mại và không nằm trong khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại. Cần làm rõ các điều kiện trước khi mua nhà”.

Trao đổi vấn đề này với một số sàn giao dịch bất động sản thì đa phần đều có ý kiến là người nước ngoài phải tự làm các thủ tục, sàn chỉ giúp thông tin về dự án và hướng dẫn ký hợp đồng. Bản thân các sàn cũng không nắm rõ về thủ tục làm sổ đỏ cho người nước ngoài, nên không dám “bao sân” như với người Việt Nam. Vừa mất thời gian và nếu không đủ giấy tờ không bán được coi như mất công, mất sức, mất chi phí. Với người bán đã vậy, người mua chắc chắn sẽ “ngán ngẩm” khi đứng trước một rừng thủ tục, lại bất đồng về ngôn ngữ, thuê dịch vụ thì giá cao và ít nhất cũng phải trả trước 30% giá trị hợp đồng dịch vụ.

Có thể thấy, trở ngại cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là một thực tế. Hiện trên thị trường cũng có nhiều dịch vụ tư vấn cho người nước ngoài mua nhà, song theo chị Ngọc Thúy, điều chị cần là một đơn vị làm dịch vụ có thể khẳng định chị mua được nhà trong thời gian bao lâu, giá cả như thế nào. Còn nếu không cam kết được điều đó, sẽ rất khó để mua nhà. Như vậy, điều người nước ngoài cần là “dịch vụ”, chứ không phải “tư vấn” trong việc sở hữu nhà tại Việt Nam.

Ý tưởng về một sàn giao dịch bất động sản tại TP. HCM cũng được một vài nhà môi giới tính đến, song theo họ, chỉ khi nào họ “thuộc đường đi” để người nước ngoài chỉ cung cấp giấy tờ cần thiết, ký hợp đồng là có tấm bìa đỏ trong tay, khi đó mới tính chuyện mở sàn.